Quy trình kỹ thuật sản xuất nấm mộc nhĩ trên mùn cưa

Quy trình trồng mộc nhĩ trên mùn cưa

BioFine giới thiệu kỹ thuật trồng mộc nhĩ trên mùn cưa qua các khâu

Có thể trồng mộc nhĩ trên các loại mùn cưa sau:

  • Mùn cưa cao su: đặc chủng từ gỗ cây cao su.
  • Mùn cưa tạp: các loại gỗ tạp thân mềm không có tinh dầu hoặc phế loại từ các xưởng, nhà máy chế biến gỗ.

Xử lý nguyên liệu

– Ủ đống: Hoà nước vôi có độ pH= 14. Mùn cưa được sàng loại các đầu mặt, rác to. Theo tỷ lệ 1kg mùn cưa khô sẽ bổ sung thêm 1,2 lít nước vôi đảo đều để có  độ ẩm đạt 60 – 65% (hoặc nắm một nắm nguyên liệu mùn cưa mở tay ra thấy nắm mùn cưa vỡ từ từ có nghĩa là độ ẩm đạt yêu cầu). Sau khi đạt độ ẩm sẽ đưa vào ủ đống thời gian 7 – 8 ngày. Ủ nguyên liệu để cho mùn cưa hút ẩm đều để sau này hấp bịch cho chín nguyên liệu.

– Đảo và chỉnh độ ẩm: Sau thời gian ủ 7 – 8 ngày nhiệt độ đống ủ chỉ đạt 45 – 50 độ C. Đảo đống ủ từ ngoài vào trong và từ trong ra ngoài, kiểm tra độ ẩm nguyên liệu đạt 60 – 65%. Ủ lại 7- 8 ngày và dùng nilon đậy đống ủ lại.

– Phối trộn nguyên liệu: Đối với mùn cưa gỗ cao su và mùn cưa gỗ bồ đề thì phối trộn thêm 1% bột nhẹ. Còn đối với mùn cưa gỗ tạp thì phối trộn thêm 1% bột nhẹ, 2% cám gạo hoặc thóc nghiền ( để bổ sung thêm dinh dưỡng).

– Đóng bịch: Chuẩn bị 

  • Túi nilon: 19 x 37cm, 6kg/1 tấn nguyên liệu
  • Cổ nút nhựa (giống): 1000 cái/1 tấn nguyên liệu
  • Nắp đậy: 1000 cái/1 tấn nguyên liệu
  • Bông nút: 6kg/1 tấn nguyên liệu

Phối trộn nguyên liệu đồng đều (kiểm tra độ ẩm) sau đó rồi đóng bịch. Bịch mùn cưa gỗ cao su, nặng 1,3 đến 1,4kg. Bịch mùn cưa gỗ bồ đề, gỗ tạp nặng 1,2 đến 1,3kg. Làm cổ nút, nút chặt bông, sau đó đậy nắp chụp. 

Yêu cầu của bịch sau khi đóng: căng và tròn.

– Hấp thanh trùng (khử trùng): Bịch đưa vào lò hấp thủ công có nhiệt độ từ 95 – 100 độ C trong thời gian 6 – 8 giờ (kể từ khi đạt nhiệt độ trong giữa bịch nấm).

– Để nguội – cấy giống: Bịch sau khi hấp chín xong, sẽ có mùi thơm đưa ngay vào phòng cấy (phòng cấy riêng, vệ sinh sạch sẽ và đảm bảo vô trùng) thời gian để nguội bịch tới < 280C.

  • Chuẩn bị giống: một túi giống que sắn có 75 – 80 que cấy được 75 – 80 bịch. Mở nút bông của bịch mộc nhĩ và gắp que giống cho vào giữa bịch, đậy nút bông trở lại, rồi làm tiếp các bịch sau đó.
  • Giống mộc nhĩ trên hạt, một chai giống cấy được 30 – 35 bịch.
  • Giống mộc nhĩ phải trắng đều, thời gian từ 20 đến 30 ngày kể từ ngày cấy giống.

– Ươm sợi: Sau khi cấy giống xong sẽ xếp bịch vào nhà ươm sợi. Tuỳ theo thời tiết mỗi mùa để xếp bịch ươm. Quá trình ươm nên duy trì nhiệt độ phòng ươm từ 20 – 30 độ C, không cần ánh sáng. Thời gian ươm sợi từ 25 đến 30 ngày. Khi nào thấy sợi nấm mọc dày kín bịch, trắng đều thì chuẩn bị rạch rồi treo bịch.

– Rạch và treo bịch: Bịch mộc nhĩ trắng đều sẽ được chuyển sang khu vực chăm sóc. Nhà nuôi trồng mộc nhĩ (có dây chịu lực) để treo bịch. Mỗi dây treo bịch được 5 – 6 bịch cách mặt đất 20cm cao đến 1,5 đến 1,6m. Mỗi m2 treo được 20 đến 25 dây.

– Mỗi bịch rạch từ 12 đến 15 vết rạch. Mỗi vết rạch từ 1,5 đến 2cm (có thể rạch xiên hoặc thẳng đứng). 

– Tuỳ theo diện tích nhà nuôi trồng mà bố trí dây treo sao cho hợp lý và dễ chăm sóc. Tạo độ ẩm không khí gián tiếp bằng cách là tưới nước xuống nền nhà hoặc trên mái.

– Chăm sóc thu hái: Sau khi treo bịch thời gian 10 đến 15 ngày, mộc nhĩ bắt đầu mọc chăm sóc tưới nước phụ thuộc vào thời tiết của từng thời điểm cụ thể của những ngày đó. Duy trì nhiệt độ trong phòng nuôi từ 25 đến 30 độ C và độ ẩm không khí là 90%.

Cách tưới tốt nhất là dùng bình bơm hoặc hệ thống phun sương mù lên toàn bộ diện tích nuôi trồng (tránh dùng máy bơm trực tiếp lên bịch nấm sẽ làm gẫy dập cánh).

– Từ khi mộc nhĩ mọc cho đến lúc thu hoạch là 15 đến 20 ngày trước khi thu hoạch 2 đến 3 ngày không cần tưới nước.

– Thu hái từng đợt, nên chọn thời tiết không mưa để thu hái. Thu hái đồng loạt. Sau khi thu hái phơi sấy, đưa vào bảo quản.

– Năng suất đạt 1.000kg mộc nhĩ tươi/1 tấn nguyên liệu. Thời gian thu hái 2 đến 3 tháng. Phế thải sau thu hoạch mộc nhĩ thích hợp đưa vào trồng nấm rơm hoặc nấm sò.

post